Bỏ túi 10 “bí kíp” dạy con học tiếng Anh

Trẻ nhỏ thường dễ dàng hơn trong việc tiếp thu ngoại ngữ thông qua những việc rất đơn giản, chẳng hạn như khi ba mẹ sử dụng ngoại ngữ để trò chuyện với trẻ hay giới thiệu cho con về một món đồ chơi mới. Tuy nhiên, đối với những trẻ lớn hơn, ba mẹ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi hỗ trợ con học ngoại ngữ, đặc biệt là khi con làm những bài tập như chia động từ, phân biệt danh từ số nhiều - số ít...

Trong bài viết này, ba mẹ hãy cùng Silver Planet tìm hiểu những bí kíp giúp trẻ trong độ tuổi “ô mai” (13-19 tuổi) học tiếng Anh thật vui vẻ và hiệu quả nhé! Những cách dưới đây sẽ giúp ba mẹ giảm thiểu tối đa áp lực lên trẻ và giúp con tự tin hơn trong quá trình học tiếng Anh.

1. Mua cho con phiên bản tiếng Anh của những cuốn sách con thích

Trẻ có thể cảm thấy việc tập đọc tiếng Anh như một “nghĩa vụ”. Vậy tại sao ba mẹ không thử khiến cho việc đọc thú vị hơn bằng cách cho trẻ đọc những cuốn sách yêu thích của con bằng tiếng Anh? Hiện nay có rất nhiều sách được dịch ra từ tiếng Anh, vậy nên việc tìm phiên bản tiếng Anh của một vài cuốn sách mà con yêu thích có lẽ không phải là vấn đề quá khó đối với ba mẹ, ví dụ như bộ truyện Harry Potter, Nhật ký chú bé nhút nhát (Diary of a Wimpy Kid)...

Đọc sách yêu thích bằng tiếng Anh không chỉ giúp trẻ cảm thấy thích thú hơn với câu chuyện, mà còn khiến việc đọc ngoại ngữ của con trở nên dễ dàng hơn. Chẳng hạn, khi có từ mới, đôi khi con sẽ không cần phải tra từ điển vì có thể tự đoán ra từ ngữ cảnh cụ thể trong câu chuyện. 

Đọc sách ngoại văn thường khiến cho trẻ cảm thấy bức bối, bực mình, nhất là khi không hiểu từ mới và hiểu sai cốt truyện. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên thoải mái và dễ chịu hơn đối với những cuốn sách mà con hiểu rõ. Khi đã đạt đến trình độ nhất định, trẻ thậm chí còn có thể đọc trước những tập mới của bộ truyện mình theo dõi ngay cả khi chúng chưa được dịch và xuất bản tại Việt Nam! 

1.jpg

Đọc một cuốn sách quen thuộc là cách tuyệt vời giúp trẻ học ngoại ngữ.

2. Cùng học ngoại ngữ với con

Trong trường hợp ba mẹ giỏi tiếng Anh, hãy thử học một ngôn ngữ khác sao cho trình độ của ba mẹ với ngôn ngữ này ngang tầm với trình độ tiếng Anh của con (hoặc thậm chí thấp hơn) để tạo động lực và khích lệ trẻ học tốt hơn. Lúc này, thay vì khiến trẻ cảm thấy việc học ngoại ngữ là bắt buộc, ba mẹ có thể tạo ra những hoạt động thú vị và có tính cạnh tranh nhẹ (chẳng hạn như đặt ra thử thách học thuộc 5 từ mới mỗi ngày), từ đó khiến con cảm thấy hấp dẫn và hào hứng trong mỗi lần tham gia. 

Tuy nhiên, ba mẹ cũng nên lưu ý để tránh trường hợp trẻ biết rằng ba mẹ học ngoại ngữ chỉ để giúp con học tiếng Anh vì điều này có thể khiến con cảm thấy áp lực hơn. Hãy tiến hành mọi thứ thật tự nhiên để khuyến khích con học mỗi ngày. 

3. Sử dụng tiếng Anh khi yêu cầu con làm việc gì đó 

Một trong những cách được khá nhiều ba mẹ áp dụng là sử dụng tiếng Anh vào những thời điểm nhất định trong ngày, ví dụ như trong khi ăn. Tuy nhiên, việc này có thể khiến con cảm thấy áp lực, đặc biệt là khi không biết diễn đạt đầy đủ những gì mình muốn nói bằng tiếng Anh. Khi mới bắt đầu học ngoại ngữ, vốn từ vựng của trẻ có thể chưa đủ để con phản hồi lại một cách hợp lý, nhưng nhiều ba mẹ lại yêu cầu con phải đối đáp theo những gì được ghi trong sách vở. Những cách làm như vậy có thể được coi là “kẻ thù” của những niềm vui trong việc học ngoại ngữ. 

Thay vào đó, ba mẹ hãy dùng tiếng Anh một cách thật tự nhiên. Ba mẹ có thể sử dụng tiếng Anh với những câu hỏi không yêu cầu phải trả lời phức tạp mà chỉ cần “yes” hoặc “no”, ví dụ như: “Mẹ chuẩn bị đi chợ nè, con có muốn đi cùng mẹ không?”, hay “Ông bà sắp qua nhà mình chơi đó”. 

Bằng cách này, trẻ được luyện kỹ năng nghe tiếng Anh một cách tự nhiên và từ đó có thể học nói dễ dàng hơn. Việc học ngoại ngữ lúc này cũng giống như học lái xe vậy: ba mẹ không bắt con phải lên đường cao tốc ngay lập tức, mà từ từ chậm rãi đưa con tới những con đường vắng vẻ nhưng quen thuộc hơn để luyện tập.

Khi vốn từ vựng của con mở rộng hơn một chút, ba mẹ có thể dùng tiếng Anh để yêu cầu con làm những việc đơn giản, ví dụ như nhờ con rửa rau hay rủ con ra sân đá bóng. Chỉ nhờ những hoạt động đơn giản mỗi ngày như vậy, ba mẹ đã có thể giúp con trau dồi vốn từ vựng đáng kể và tạo cho con thói quen nói tiếng Anh thường xuyên hơn. 

2.jpg

Những hoạt động đơn giản thường ngày có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng ngoại ngữ.

4. Đừng cấm đoán con học những ngoại ngữ khác

Nhiều ba mẹ có thể nghĩ tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông nhất trên toàn cầu, là ngoại ngữ ưu tiên số 1 nên bắt buộc trẻ chỉ tập trung vào tiếng Anh do lo lắng rằng việc trẻ học ngoại ngữ khác có thể khiến con sao nhãng. Tuy nhiên, đây không phải là suy nghĩ đúng đắn, vì việc học một ngoại ngữ khác thậm chí còn có thể giúp ích cho quá trình học tiếng Anh của trẻ bất kể con đang ở lứa tuổi nào. 

Những trẻ học cùng lúc nhiều ngoại ngữ đôi khi có thể gặp nhầm lẫn về từ vựng hoặc nói lẫn lộn hai ngôn ngữ cùng lúc. Nhưng khi biết cùng lúc hai hay ba ngoại ngữ, trẻ sẽ biết cách so sánh sự khác nhau giữa cấu trúc của từng ngôn ngữ, thậm chí các ngoại ngữ sẽ có thể bổ trợ cho nhau để giúp con học hiệu quả hơn. Ví dụ, nếu tiếng mẹ đẻ của con thuộc hệ Ấn - Âu, việc học một ngôn ngữ thuộc hệ khác như tiếng Trung sẽ giúp con cảm thấy tiếng Anh dễ học hơn, từ đó có hứng thú hơn khi học.

5. Chuyển ngôn ngữ của các thiết bị điện tử sang tiếng Anh

Rõ ràng đây là cách khá hữu ích để giúp con nâng cao vốn từ vựng tiếng Anh. Con có thể vừa chơi vừa học khi làm quen với những từ như “level up” (lên bàn) hay “game over” (thua cuộc) trong trò chơi điện tử. 

Cách này có thể giảm thiểu tối đa áp lực học ngoại ngữ đối với trẻ. Nếu con không phải là một “game thủ”, ba mẹ có thể thay đổi ngôn ngữ trong các ứng dụng mạng xã hội mà con hay dùng (ví dụ như Facebook), hay thậm chí thay đổi ngôn ngữ của cả chiếc điện thoại nếu con đủ tự tin rằng mình sẽ có thể sử dụng tốt khi điện thoại được chuyển sang ngôn ngữ mới.

3.jpg

Chuyển ngôn ngữ của các ứng dụng điện thoại sang tiếng Anh cũng là một cách hiệu quả. 

6. Đừng lo lắng quá nhiều khi con mắc lỗi

Nếu ba mẹ luôn “soi” và chỉ ra lỗi trong mỗi lần con nói tiếng Anh, trẻ sẽ chẳng bao giờ muốn giao tiếp bằng tiếng Anh nữa! Nỗi lo lắng và rụt rè có thể “giết chết” quá trình học ngoại ngữ. Vì vậy, nếu ba mẹ liên tục theo dõi và chỉ ra từng lỗi nhỏ của con, trẻ dần dần sẽ trở nên e dè và ngại ngùng khi nói tiếng Anh.

Nhiều ba mẹ cứ nghĩ học tiếng Anh là phải nói trôi chảy, nhuần nhuyễn. Vậy nhưng ngay cả người bản sứ cũng không phải ai cũng làm được điều đó. Do đó, ba mẹ nên khuyến khích trẻ giao tiếp tự tin, thay vì ép con phải nói chuẩn và không được mắc lỗi.  

Câu hỏi đặt ra lúc này là ba mẹ nên làm gì khi trẻ mắc lỗi hết lần này đến lần khác? Có một cách ba mẹ có thể áp dụng: mỗi tuần chỉ ra một lỗi mà con thường xuyên mắc phải. Việc này sẽ giúp trẻ nhận thức được rằng đây là những lỗi con thường hay mắc phải và cần được cải thiện. 

7. Tập trung vào từ vựng, không phải ngữ pháp

Có nhiều lý do để ba mẹ tập trung dạy con từ vựng, thay vì ngữ pháp khi ở nhà. 

Thứ nhất, con sẽ học ngữ pháp dễ dàng và hiệu quả hơn ở trường, chứ không phải ở nhà. Trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi khi vừa phải rửa rau vừa phải nghe ba mẹ giải thích động từ khuyết thiếu là gì. 

Thứ hai, các thầy cô ở trường luôn dạy trẻ ngữ pháp theo chương trình học đã được soạn thảo đầy đủ và cẩn thận, vậy nên việc ba mẹ dạy thêm ngữ pháp ở nhà thậm chí có thể khiến trẻ cảm thấy rối hơn.

Và điều quan trọng nhất là ngữ pháp có thể giúp trẻ giao tiếp tốt hơn, nhưng từ vựng lại có thể giúp con giao tiếp nhiều hơn! Chẳng hạn khi trẻ muốn mua bánh kem, việc con biết cấu trúc “I would like” (con muốn) sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu con không biết từ “bánh kem” trong tiếng Anh. Giao tiếp nhiều là “chìa khóa” giúp trẻ sử dụng ngoại ngữ một cách hiệu quả và thú vị hơn.   

4.png

Thay vì tập trung vào ngữ pháp, ba mẹ hãy dạy trẻ thật nhiều từ mới.

8. Đừng ngần ngại “trộn” tiếng Anh với tiếng mẹ đẻ

Khi trẻ còn nhỏ, ba mẹ có thể nuôi dạy trẻ song ngữ bằng cách một người chỉ nói tiếng Anh, một người chỉ nói tiếng Việt. Việc trộn lẫn hai ngôn ngữ với nhau có thể khiến trẻ thấy rối, nhưng trẻ ở giai đoạn thanh thiếu niên sẽ không gặp khó khăn khi phân biệt tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh như khi còn nhỏ nữa. 

Trộn hai ngôn ngữ với nhau có thể là việc thú vị với trẻ và giúp con học ngoại ngữ dễ dàng hơn. Lúc này, câu nói có thể rất… buồn cười, nhưng đây là cách đơn giản giúp con củng cố vốn từ vựng mà vẫn truyền tải được hết ý nghĩa của câu nói trong trường hợp không biết sử dụng từ ngữ như thế nào bằng ngôn ngữ đích.

9. Cùng trẻ xem phim và các chương trình tiếng Anh

Cách này đặc biệt hiệu quả với trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên. Nếu khả năng tiếng Anh của trẻ chưa đủ tốt để hiểu hết toàn bộ chương trình, ba mẹ có thể chọn những chương trình có phụ đề tiếng Việt bên dưới. Khi trẻ đã tiến bộ hơn, ba mẹ hãy bật phụ đề tiếng Anh. Đây là cơ hội cho trẻ nhận biết và củng cố lại những gì mình đã nghe. Dần dần, trẻ sẽ có thể nghe mà không cần đến phụ đề. 

Ngoài ra, xem tivi cũng giống như đọc sách, ba mẹ hãy chọn những chương trình mà con yêu thích để không bị “phản tác dụng” nhé!  

5.jpg

Hãy cùng con xem những chương trình hay bộ phim mà con yêu thích.

10. Cho trẻ tham gia các chương trình hội hè sử dụng tiếng Anh

Hiện nay có khá nhiều chương trình hội hè, du học hè - nơi học sinh được học, giao tiếp, vui chơi bằng tiếng Anh. Trong khoảng thời gian này, con sẽ được tham gia các hoạt động ngoài trời với những người bạn mới, ở những địa điểm mới. Điều này giúp thúc đẩy và tạo động lực lớn cho con trong việc học ngoại ngữ. Khi vui chơi, con sẽ không còn cảm thấy rụt rè với những lỗi nhỏ mà mình mắc phải trong quá trình giao tiếp, từ đó sử dụng tiếng Anh một cách tự tin hơn. Đây có thể sẽ là trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ với trẻ, thậm chí giúp con làm quen với những người bạn mới từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

Nguồn tham khảo: 10 Ways to Help Your Child Learn English